logo xeducvinh

Kinh doanh phương tiện vận chuyển khách du lịch chính là việc cung cấp dịch vụ vận chuyển với các hình thức giao thông du lịch phổ biến hiện nay .như: đường bộ, đường biển, đường hàng không, đường sắt.. Trong đó, hình thức du lịch bằng đường bộ là hình thức giao thông du lịch khá quan trọng và thứ yếu nhất.

Phương tiện vận chuyển khách du lịch là gì?

Theo Khoản 16 Điều 4 Luật du lịch VN 2005, Phương tiện chuyên vận chuyển khách du lịch là phương tiện bảo đảm các điều kiện phục vụ khách du lịch, được sử dụng để vận chuyển khách du lịch theo chương trình du lịch.

Kinh doanh vận chuyển khách du lịch

Kinh doanh vận chuyển khách du lịch là việc cung cấp dịch vụ vận chuyển cho khách du lịch theo tuyến du lịch, theo chương trình du lịch và tại các khu du lịch,điểm du lịch, đô thị du lịch.

Các hình thức giao thông du lịch

  1. Đường bộ chiếm 42%
  2. Đường thủy 8%
  3. Đường sắt 7%
  4. Đường hàng không 43%

Phương tiện vận chuyển khách du lịch

Tổ chức, cá nhân kinh doanh vận chuyển khách du lịch phải đăng ký kinh doanh và tuân thủ các điều kiện về kinh doanh vận chuyển khách theo quy định của pháp luật.

Các loại phương tiện vận chuyển khách du lịch

Phương tiện đường bộ

– Đây là hình thức giao thông du lịch chủ yếu và quan trọng nhất trên thế giới, năm 1998, hình thức này chiếm 42% tổng số du khách.

– Đi du lịch bằng ô tô có 2 loại: ô tô tư nhân và ô tô khách công cộng.

Ưu điểm vận chuyển khách bằng ô tô

  • Sự di chuyển linh hoạt, khả năng kích ứng các điều kiện tự nhiên mạnh, có thể mở rộng phạm vi hoạt động, trực tiếp thâm nhập các điểm du lịch và có thể dừng lại bất cứ lúc nào.
  • Hiệu suất tiện lợi cao và có tính độc lập.

Nhược điểm

  • Tốc độ vận chuyên không cao, lượng tiêu hao nhiên liệu lớn.
  • Tính an toàn tương đối thấp, đặc biệt tỷ lệ tai nạn của loại hình này cao nhất so với các hình thức vận chuyển khác.

Phương tiện đường hàng không

– Giao thông du lịch hàng không ngày càng trở thành hình thức giao thông quan trọng, năm 1998 số du khách đi du lịch bằng hàng không chiếm 43% tổng số du khác quốc tế.

Ưu điểm vận chuyển khách bằng hàng không.

  • Tốc độ vận chuyển nhanh, hiệu quả cao. Hiện nay tốc độ của máy bay hạng lớn, hạng vừa đạt 700-800 km/h; do vậy tốn ít thời gian, cho phép đi du lịch xa.
  • Vận chuyển bằng hàng không đảm bảo an toàn, thoải mái, trang thiết bị của máy bay tiên tiến đầy đủ, phục vụ chu đáo.
  • Tỷ lệ tử vong của hàng không là thấp nhất trong các loại phương tiện giao thông.
  • Hàng không có thể khắc phục được những địa hình như núi, đồi, tới những nơi hiểm trở mà các phương tiện khác không đến được.

Nhược điểm

  • Giá vé tương đối cao nên có phần hạn chế lượng du khách đi du lịch.
  • Chỉ có thể đưa du khách từ điểm đi tới điểm đến, không thể triển khai lữ hành diện rộng.
  • Gây tiếng ồn và ô nhiễm nghiêm trọng, vì vậy thường phân bổ ở các vùng ngoại ô xa, gây khó khăn cho việc đến sân bay của du khách.

Phương tiện bằng đường thủy

– Số lượng du khách vận chuyển bằng đường thủy chiếm 8% số lượng khác quốc tế vào năm 1998

– Bản thân tàu du lịch hạng sang, hạng vừa là phương tiện chuyên chở du khách vừa là vật thu hút du lịch, tạo nên sự kết hợp du lịch với lữ hành.

– Giao thông du lịch bằng đường thủy có 4 loại:

  1. Dịch vụ theo chuyến định kỳ đường xa.
  2. Dịch vụ theo máy hành trình ngắn trên biển.
  3. Tuần du trên biển, đây là loại hình du lịch đặc biệt, có sức thu hút du khách rất mạnh, cho phép du khách ngắm cảnh quan của biển và có thể lên bờ du lịch, vừa có thể nghỉ ngơi thoải mái trên tàu, chính vì vậy nó được gọi là “thắng cảnh du lịch nổi”.
  4. Vận chuyển trên sông.

Ưu điểm vận chuyển khách bằng đường thủy

  • Đảm bảo tiện nghi sang trọng, thoải mái giá rẻ.
  • Cho phép kết hợp vừa di chuyển vừa tham quan trên biển, trên bờ.
  • Tải trọng lượng du khách lớn.

Nhược điểm

  • Tốc độ vận chuyển thấp, tốn nhiều thời gian, chịu ảnh hưởng lớn của thời tiết.

Phương tiện đường sắt

– Lượng du khách đi du lịch bằng đường sắt chiếm 7% tổng số du khách quốc tế vào năm 1998.

Ưu điểm của giao thông đường sắt.

  • Lượng vận chuyển du khách lớn, có thể vận chuyển hàng ngàn người.
  • Giá cả tương đối thấp, lại do sử dụng đường ray chuyên dùng, chịu ảnh hưởng của nhân tố thời tiết nhỏ, vì vậy ít xảy ra sự cố, có thể đảm bảo xuất phát và vận hành đúng giờ.

Nhược điểm

  • Do hạn chế của việc đặt đường ray, nên rất khó khăn xây dựng mạng đường sắt dày đặt.
  • Không thể kết hợp với tham quan du lịch.

Xu hướng phát triển của giao thông du lịch đường sắt

– Gia tăng đầu tàu chạy điện tốc độ nhanh, đạt hiệu quả cao, tiết kiệm năng lượng.

– Sự phát triển cao tốc hóa của đường sắt thế giới. Nhật Bản, Châu Âu đã xây dựng mạng đường sắt cao tốc tương đối hoàn thiện.

– Các công ty đường sắt không ngừng đưa ra hạng mục mới nhằm thu hút khách. Như công ty đường sắt phía Tây nước Mỹ khai thác toa xe du lịch để du khách có thể thưởng thức phong cảnh dọc đường đi.

Phương tiện Đường cáp treo

– Đường cáp treo là hình thức giao thông dùng động cơ chuyền kéo dây cáp chở toa khách hoặc toa vận hành trên không, cách mặt đất ở một độ cao nhất định.

Các phương tiện truyền thống khác

  1. Xe đạp: là phương tiện vận chuyển lữ hành dựa vào thể lực bản thân và chức năng cơ giới.
  2. Xe ngựa: là phương tiện giao thông mang nét thôn quê, có thể đáp ứng nhu cầu của du khách là “tìm cái mới, cái lạ, cái lạc thú”, dùng ở các khu du lịch ngoại thành.
  3. Thuyền rồng, bè tre: Thuyền rồng được một số nước ở Châu Á đưa vào sử dụng trong du lịch như ở Trung Quốc, Thái Lan, Lào, Việt Nam. Ở một số nước còn dùng bè tre để du khách du lãm trên sông, trên hồ.

Ngoài ra còn có một phương tiện giao thông du lịch đặc biệt như kiệu, ngựa, lạc đà, xe người kéo.

Quy định chất lượng dịch vụ trên phương tiện vận tải khách du lịch

BỘ GIAO THÔNG VẬN TẢI
——-

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
—————

Số: 42/2017/TT-BGTVT

Hà Nội, ngày 15 tháng 11 năm 2017

THÔNG TƯ

QUY ĐỊNH ĐIỀU KIỆN CỦA NGƯỜI ĐIỀU KHIỂN PHƯƠNG TIỆN, NHÂN VIÊN PHỤC VỤ, TRANG THIẾT BỊ, CHẤT LƯỢNG DỊCH VỤ TRÊN PHƯƠNG TIỆN VẬN TẢI KHÁCH DU LỊCH

Căn cứ Luật du lịch số 09/2017/QH14 ngày 19 tháng 6 năm 2017;

Căn cứ Luật giao thông đường bộ số 23/2008/QH12 ngày 13 tháng 11 năm 2008;

Căn cứ Luật giao thông đường thủy nội địa số 23/2004/QH11 ngày 15 tháng 6 năm 2004 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật giao thông đường thủy nội địa số 48/2014/QH13 ngày 17 tháng 6 năm 2014;

Căn cứ Nghị định số 12/2017/NĐ-CP ngày 10 tháng 02 năm 2017 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Giao thông vận tải;

Theo đề nghị của Vụ trưởng Vụ Vận tải,

Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải ban hành Thông tư Quy định điều kiện của người điều khiển phương tiện, nhân viên phục vụ, trang thiết bị, chất lượng dịch vụ trên phương tiện vận tải khách du lịch.

Chương I

QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

Thông tư này quy định điều kiện của người điều khiển phương tiện, nhân viên phục vụ, trang thiết bị, chất lượng dịch vụ trên phương tiện vận tải khách du lịch.

Điều 2. Đối tượng áp dụng

Thông tư này áp dụng đối với tổ chức, cá nhân có liên quan đến hoạt động kinh doanh vận tải khách du lịch.

Điều 3. Nguyên tắc chung

1. Phương tiện vận tải khách du lịch, người điều khiển phương tiện, nhân viên phục vụ và đơn vị kinh doanh vận tải khách du lịch ngoài việc thực hiện các quy định của Thông tư này còn phải đáp ứng quy định về tổ chức, quản lý hoạt động vận tải do Bộ Giao thông vận tải ban hành.

2. Điều kiện của người điều khiển phương tiện, nhân viên phục vụ, trang thiết bị, chất lượng dịch vụ trên phương tiện vận tải hàng không, hàng hải, đường sắt được thực hiện theo quy định của pháp luật về hàng không, hàng hải, đường sắt.

3. Điều kiện của người điều khiển phương tiện vận tải khách du lịch bằng xe ô tô, người điều khiển và thuyền viên phương tiện vận tải khách du lịch bằng đường thủy nội địa được thực hiện theo quy định của pháp luật đường bộ và đường thủy nội địa.

Chương II

QUY ĐỊNH VỀ ĐIỀU KIỆN CỦA NHÂN VIÊN PHỤC VỤ TRÊN PHƯƠNG TIỆN VẬN TẢI KHÁCH DU LỊCH

Điều 4. Quy định đối với nhân viên phục vụ trên phương tiện vận tải khách du lịch đường bộ

1. Nhân viên phục vụ trên xe ô tô vận tải khách du lịch phải được tập huấn về nghiệp vụ và các quy định của pháp luật đối với hoạt động kinh doanh vận tải theo quy định của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải.

2. Nhân viên phục vụ trên xe ô tô vận tải khách du lịch phải được đơn vị kinh doanh vận tải tập huấn nghiệp vụ du lịch (trừ trường hợp nhân viên phục vụ trên phương tiện là Hướng dẫn viên du lịch hoặc đã được bồi dưỡng, đào tạo chuyên ngành du lịch hoặc các ngành có liên quan tại các cơ sở đào tạo từ trung cấp nghiệp vụ du lịch trở lên).

3. Đối với lái xe đồng thời là nhân viên phục vụ khi vận chuyển khách du lịch, đơn vị kinh doanh vận tải phải tập huấn nghiệp vụ du lịch cho người lái xe như nội dung tập huấn đối với nhân viên phục vụ.

Điều 5. Quy định đối với nhân viên phục vụ trên phương tiện vận tải khách du lịch bằng đường thủy nội địa

1. Nhân viên phục vụ phải được bồi dưỡng, tập huấn về nghiệp vụ và các quy định của pháp luật đối với hoạt động kinh doanh vận tải theo quy định của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải; được huấn luyện về cứu sinh, cứu hỏa, cứu đắm và sơ cứu y tế.

2. Nhân viên phục vụ trên phương tiện vận tải khách du lịch bằng đường thủy nội địa phải được đơn vị kinh doanh vận tải tập huấn nghiệp vụ du lịch (trừ trường hợp nhân viên phục vụ trên phương tiện là Hướng dẫn viên du lịch hoặc đã được bồi dưỡng, đào tạo chuyên ngành du lịch hoặc các ngành có liên quan tại các cơ sở đào tạo từ trung cấp nghiệp vụ du lịch trở lên).

Chương III

QUY ĐỊNH VỀ TRANG THIẾT BỊ, CHẤT LƯỢNG DỊCH VỤ TRÊN PHƯƠNG TIỆN VẬN TẢI KHÁCH DU LỊCH

Điều 6. Quy định đối với phương tiện vận tải khách du lịch bằng đường bộ

1. Xe ô tô phải bảo đảm các quy định về chất lượng, an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường theo quy định của pháp luật.

2. Xe ô tô phải được gắn thiết bị giám sát hành trình theo quy định.

3. Xe ô tô phải được niêm yết đầy đủ các thông tin theo quy định, bên cạnh giường nằm phải có bảng hướng dẫn cho hành khách về an toàn giao thông và thoát hiểm khi xảy ra sự cố theo quy định của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải.

4. Xe ô tô vận tải khách du lịch phải bảo đảm nội thất và tiện nghi như sau:

a) Xe ô tô dưới 09 chỗ phải có các trang thiết bị bao gồm: điều hòa nhiệt độ, thùng chứa đồ uống, dụng cụ y tế sơ cấp cứu, túi thuốc dự phòng, dụng cụ thoát hiểm, tên và số điện thoại của chủ phương tiện tại vị trí phía sau ghế của lái xe;

b) Xe ô tô từ 09 chỗ đến dưới 24 chỗ, ngoài các quy định tại điểm a khoản này còn phải trang bị thêm: rèm cửa chống nắng, bảng hướng dẫn an toàn, thùng đựng rác;

c) Xe ô tô từ 24 chỗ trở lên (trừ ô tô chuyên dụng caravan), ngoài các quy định tại điểm b khoản này còn phải trang bị thêm micro, nơi cất giữ hành lý cho khách du lịch; có vị trí dành cho người cao tuổi, người khuyết tật theo quy định.

Điều 7. Quy định đối với phương tiện vận tải khách du lịch bằng đường thủy nội địa

1. Phương tiện phải bảo đảm an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường theo quy định.

2. Phương tiện phải lắp đặt thiết bị nhận dạng tự động – AIS khi hoạt động trên tuyến từ bờ ra đảo hoặc giữa các đảo theo quy định của pháp luật.

3. Trang bị đủ số lượng phao, áo phao cho du khách trên tàu.

4. Phương tiện thủy nội địa vận tải khách du lịch phải đảm bảo nội thất và tiện nghi như sau:

a) Đối với phương tiện từ 12 ghế ngồi đến 20 ghế ngồi phải trang bị: Bảng hướng dẫn sử dụng các trang thiết bị cứu sinh, cứu đắm và số điện thoại, địa chỉ các cơ quan tìm kiếm cứu nạn để tại vị trí ghế ngồi của khách; có biểu đồ hành trình tuyến du lịch; có thùng chứa đồ uống; thùng đựng rác.

b) Đối với phương tiện từ 20 ghế ngồi đến 50 ghế ngồi ngoài các quy định tại điểm a khoản này còn phải trang bị: dụng cụ chống nắng, micro; tủ thuốc và các dụng cụ sơ cứu, cứu nạn theo danh mục quy định của Bộ Y tế; Khu vực phục vụ dịch vụ ăn uống và khu chế biến (nếu có) phải đảm bảo yêu cầu theo quy định của Bộ Y tế và đảm bảo các quy định an toàn phòng chống cháy nổ.

c) Đối với phương tiện từ trên 50 ghế ngồi trở lên ngoài các quy định tại điểm b khoản này phải trang bị: Mái che, rèm cửa chống nắng, điều hòa nhiệt độ hoặc quạt mát tương ứng với số khách du lịch được vận chuyển; phòng vệ sinh.

5. Đối với tàu thủy lưu trú du lịch thực hiện theo quy định của Chính phủ.

Chương IV

TRÁCH NHIỆM CỦA CÁC CƠ QUAN ĐƠN VỊ

Điều 8. Tổng cục Đường bộ Việt Nam

1. Quản lý hoạt động vận tải khách du lịch bằng xe ô tô trên phạm vi cả nước theo thẩm quyền.

2. Thống nhất in, phát hành biển hiệu.

3. Hướng dẫn, thanh tra, kiểm tra việc thực hiện các quy định về lĩnh vực vận tải khách du lịch bằng xe ô tô theo quy định của pháp luật.

4. Chủ trì, phối hợp với Tổng cục Du lịch hướng dẫn nội dung cần tập huấn để đơn vị vận tải tập huấn cho nhân viên phục vụ trên xe ô tô vận tải khách du lịch.

Điều 9. Cục Đường thủy nội địa Việt Nam

1. Quản lý hoạt động vận tải khách du lịch bằng phương tiện thủy nội địa trên phạm vi cả nước theo thẩm quyền.

2. Thống nhất in, phát hành biển hiệu.

3. Hướng dẫn, thanh tra, kiểm tra việc thực hiện các quy định về lĩnh vực vận tải khách du lịch bằng đường thủy nội địa.

4. Chủ trì, phối hợp với Tổng cục Du lịch hướng dẫn nội dung cần tập huấn để đơn vị vận tải tập huấn cho nhân viên phục vụ trên phương tiện vận tải khách du lịch bằng đường thủy nội địa.

Điều 10. Sở Giao thông vận tải

1. Quản lý hoạt động vận tải khách du lịch bằng xe ô tô và phương tiện thủy nội địa trên địa bàn theo thẩm quyền.

2. Tham mưu cho Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương phê duyệt và công bố vị trí các điểm dừng, đỗ đón, trả khách du lịch tại các khu du lịch, điểm du lịch, di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh, cơ sở lưu trú du lịch trên địa bàn; phối hợp với các bến xe, nhà ga, bến cảng, sân bay trên địa bàn để bố trí vị trí dừng, đỗ đón, trả khách du lịch.

3. Tổ chức phân luồng giao thông bảo đảm để xe ô tô có biển hiệu, phương tiện thủy nội địa có biển hiệu được ưu tiên hoạt động tại các khu du lịch, điểm du lịch, cơ sở lưu trú du lịch, bến xe, nhà ga, bến cảng, sân bay trên địa bàn.

4. Chủ trì, phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch (Sở Du lịch) thực hiện kiểm tra đối với hoạt động kinh doanh vận tải khách du lịch trên địa bàn.

Điều 11. Đơn vị kinh doanh

1. Thực hiện các quy định về điều kiện của người điều khiển phương tiện, nhân viên phục vụ, trang thiết bị, chất lượng dịch vụ trên phương tiện vận tải khách du lịch được quy định tại Thông tư này và các quy định khác có liên quan.

2. Chủ trì, phối hợp với Hiệp hội du lịch hoặc các đơn vị có chức năng đào tạo về du lịch để tổ chức tập huấn cho nhân viên phục vụ trên phương tiện vận chuyển khách du lịch.

Chương V

ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH

Điều 12. Hiệu lực thi hành

1. Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01 tháng 01 năm 2018.

2. Bãi bỏ Điều 4, Điều 5 của Thông tư Liên tịch số 19/2015/TTLT-BGTVT-BVHTTDL ngày 25 tháng 5 năm 2015 của Bộ Giao thông vận tải và Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch hướng dẫn về vận tải khách du lịch bằng xe ô tô và cấp biển hiệu cho xe ô tô vận tải khách du lịch.

Điều 13. Tổ chức thực hiện

1. Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam, Cục trưởng Cục Đường thủy nội địa Việt Nam và Giám đốc Sở Giao thông vận tải các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có trách nhiệm chủ trì, phối hợp với các cơ quan có liên quan chỉ đạo, đôn đốc thực hiện Thông tư này.

2. Chánh Văn phòng Bộ, Chánh Thanh tra Bộ, các Vụ trưởng, Tổng cục trưởng, Cục trưởng các Cục, Giám đốc các Sở Giao thông vận tải, Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị và cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Thông tư này.

Nơi nhận:
– Như khoản 2 Điều 13;
– Văn phòng Chính phủ;
– Các Bộ, cơ quan ngang Bộ;
– Cơ quan thuộc Chính phủ;
– UBND các tỉnh, TP trực thuộc TW;
– Các Thứ trưởng Bộ GTVT;
– Cục Kiểm tra văn bản (Bộ Tư pháp);
– Công báo;
– Cổng Thông tin điện tử Chính phủ;
– Cổng Thông tin điện tử Bộ GTVT;
– Báo Giao thông, Tạp chí GTVT;
– Lưu: VT, V.Tải.
BỘ TRƯỞNG:  Nguyễn Văn Thể

Nguồn: sưu tầm